Trần Ngọc Bảo

 

ĐUỔI HÌNH BẮT BÓNG

 

1   2   3   4   5

 

PHẦN 1

 


Khoảng giữa tháng 7, 2012 diễn đàn KMH rộ lên một trận tranh luận xung quanh mấy tấm hình  về Đà Nẳng và Huế do một sĩ quan Mỹ chụp vào năm 1967 mà Dũng Silk "lượm" được đâu đó trên mạng và đưa ra câu hỏi đây là đâu vì hình không có chú thích - tác giả chỉ "chộp" một cách tình cờ trên đường hành quân. Trong thời gian này, lão Trần đi ở ẩn, cách biệt khỏi thế giới bên ngoài. Khi lão về lại Huế liền bị Dũng Silk - cu Xìu, còn gọi là cu Sài -  từ Sài thành bay về lôi kéo vào mấy cuộc du hành mà không rõ để mần chi. Lão Trần nhận lời tháp tùng bạn vì đi trong cõi mộng thì đi đâu cũng vậy mà thôi. Còn anh cu Xìu thì bị thúc giục bởi một cơn sóng gió trong lòng mà chỉ hé lộ dần dần qua chuyến đi. Sau đây là những tấm hình gây "sóng gió" nhiều nhất.

 

 

Hình 1

 

 

Hình 2

 

 

Hình 3

 

Hình 4

Hình từ 1 tới 3 hầu hết mọi người đều đoán rằng đó là Bao Vinh. Hình 3 tạm gọi là cống Địa Linh, vì qua cái cống này là đến làng Địa Linh (nhưng coi chừng: qua cống rẽ phải mới về Địa Linh, còn đi thẳng là về La Khê!). Hình thứ tư  thì không ai đoán ra, và những cuộc du khảo "đuổi hình bắt bóng" cho tới nay vẫn chưa tìm ra lời giải. 

Cu Xìu về Huế mời lão Trần và vài bạn đi uống cà phê ở cồn Nón Lá (tên quán là Huế Xưa Huế Nay, nhưng dân KMH đặt tên lại như vậy vì có mấy cái dù tạo hình như chiếc nón, và gọi tắt là Cồn Lá) rồi hỏi đường đi để có thể nhìn thấy "mặt sau" của phố cổ Bao Vinh, tức là nhìn từ sông nước. Dễ ợt! Thì đi đến cầu Bãi Dâu! Từ đây đi về hướng Thuận An, rẽ trái qua cầu chợ Dinh, đi một đoạn thì gặp cầu Bãi Dâu. Thôi thì cứ uống cà phê hay "cà cho phê" đi đã!

 

Các "du hành gia" chụp ảnh trước khi lên đường "đuổi hình bắt bóng"
 

Nhiều  nhà nghiên cứu cho rằng Bao Vinh là nơi chúa Nguyễn Phúc Thái xây thành Phú Xuân vào năm 1687. Đến năm 1712, chúa Nguyễn Phúc Chu dời dinh phủ ra làng Bác Vọng, huyện Quảng Điền. Chúa Nguyễn Phúc Khóat chuyển dinh phủ trở lại Phú Xuân và cho xây thành mới vào năm 1739, hơi chệch về phía tây so với thành cũ.

Vùng ven sông Hương của làng Bao Vinh phát triển thành phố và chợ buôn bán sầm uất từ thế kỷ XVIII, nhất là từ đầu thế kỷ XIX khi Bao Vinh trở thành một thương cảng thay thế vị trí của cảng Thanh Hà (thuộc làng Địa Linh). Thuyền buôn từ đây đi qua các làng Mậu Tài, Thanh Tiên, Lại Ân (làng Sình) và các làng dọc theo sông Hương và phá Tam Giang, ra cửa biển Tư Hiền, vào Hội An. Thuyền nước ngoài cũng vào đây buôn bán.

Phố cổ vẫn còn tuy rằng đa số nhà xưa đã dần dần đổ nát và được xây lại theo kiểu mới. Bao Vinh ngày nay thuộc xã Hương Vinh, huyện Hương Trà.

Còn nhớ trong dân gian còn lưu truyền những câu hò liên quan đến phố Bao Vinh:

Gió pho pho đưa đò lên Huế,
Trăng non đoài vội xế Bao Vinh,
Gặp nhau đây giữa ngã ba Sình,
Có ai vô kết nghĩa chung tình ngàn năm?

Bao Vinh cao bợt hẳm bờ 

Ghe bầu qua lại, mẹ nhờ duyên con.

 

(Bao Vinh có bến nước sâu, thuyền buôn qua lại, các quán hàng mua bán đắt khách nhờ có các cô con gái trẻ đẹp)



Cồn Hến nhìn từ cầu Chợ Dinh

Cu Xìu đứng trên cống Địa Linh

 

Anh Cu mò xuống mé sông để nhìn cho rõ chiếc cầu cong cong và đứng tạo dáng bên cống cổ



Bến đò ngang từ Bao Vinh qua làng Tiên Nộn làm anh Cu xao xuyến, không rõ vì sao




Nhìn chiếc đò từ Tiên Nộn sang, anh Cu Xìu ngẩn ngơ nhớ lại một lần mình từng đi qua chuyến đò này. 

Anh khẳng định chỉ qua đây một lần trong đời, nhưng nhớ ơi là nhớ.

Tuy nhiên, trời đã chiều rồi, phải về thôi, hẹn sẽ tiếp tục cuộc hành trình vào ngày khác.


Huế, ngày 2 tháng 8, 2012

Cu Huê - Cu Xìu - Cu Đơ

 

 

Trang Trần Ngọc Bảo

Chân Trần

art2all.net